( 02-01-2019 - 09:50 AM ) - Lượt xem: 971
Dòng vốn ngoại tiếp tục đổ bộ, nhu cầu nhà ở của người dân còn lớn… là những yếu tố sẽ tạo nên gam màu sáng cho thị trường bất động sản năm 2019. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều thách thức.
Thị trường bất động sản 2019 có thể xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại một số khu vực
Thứ nhất, nguồn cung sụt giảm: Tổng số căn hộ chung cư được cung cấp từ 2010 đến nay là 600.000 căn, trong đó Hà Nội hơn 200.000 căn. Với mẫu số trung bình giai đoạn này 80 triệu dân thì tỷ lệ đó là thấp. Chưa kể, trong chính sách mới về quy hoạch phát triển các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ hạn chế phát triển dự án khu vực nội đô hoặc khu vực có nhiều khu dân cư hiện hữu… dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Đến năm 2020, nếu vướng mắc này không được tháo gỡ, thị trường sẽ thiếu nguồn cung nghiêm trọng.
Thứ hai, điều chỉnh cung – cầu: Thị trường bất động sản giai đoạn 2019 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững. Sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị. Phân khúc nhà ở cao cấp cũng sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ. Đặc biệt, xu thế xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, an toàn về phòng cháy chữa cháy sẽ rất được coi trọng.
Thứ ba, siết tín dụng: Các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức về việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản. Nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư, giảm bớt dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng nhằm phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
Các doanh nghiệp cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản. Xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Thứ tư, sự gia tăng mạnh mẽ của các quỹ nước ngoài: Tính hết năm 2018, vốn FDI vào Việt Nam là khoảng 22 tỷ USD, trong đó bất động sản là 5,6 tỷ USD, đứng thứ nhì khi chiếm hơn 20%. Bên cạnh đó, hoạt động M&A cũng cực kì sôi động khi có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong năm 2019 con số này tiếp tục tăng cao nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam luôn ổn định về kinh tế cũng như chính trị - xã hội. Mặt khác, căng thẳng về thương mại giữa châu Âu, Mỹ - Trung Quốc cũng khiến dòng vốn của các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển, mà Việt Nam là điểm đến lý tưởng.
Thứ năm, pháp lý trong chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đang thông thoáng hơn, đặc biệt là với thị trường bất động sản. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ thu hút thêm một lượng lớn Việt kiều muốn về nước mua nhà và đầu tư vào bất động sản.
Thứ sáu, bất động sản trong năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định, không có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản” nhưng thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.